Quy định mới nhất về thuế nhà thầu

Ngày đăng: 15/01/2021
Những quy định về thuế nhà thầu chắc hẳn không còn xa lạ với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chưa nắm bắt được rõ các quy định này. Nội dung bài viết dưới đây xin tóm tắt những ý chính để bạn đọc có thể hiểu được cách tính thuế nhà thầu trong lĩnh vực kinh doanh.
Thuế nhà thầu là gì? Đối tượng áp dụng thuế nhà thầu
Thuế nhà thầu thường gồm có thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động theo luật Việt Nam có phát sinh thu nhập từ việc cung ứng dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam.
 
Thuật ngữ nhà thầu ở đây không phải để chỉ nhà thầu trong các công trình xây dựng mà dùng để chỉ nhà cung cấp dịch vụ hoặc dịch vụ có gắn với hàng hóa mà các nhà cung cấp này đang hoạt động ở nước ngoài.
 
Thuế nhà thầu được áp dụng cho một số khoản thanh toán cho các doanh nghiệp nước ngoài bao gồm: tiền bản quyền, tiền lãi vay, phí dịch vụ, dịch vụ vận chuyển, tiền thuê, phí bảo hiểm, chuyển nhượng chứng khoán, hàng hóa cung cấp tại Việt Nam kèm dịch vụ cung cấp tại Việt Nam.
 

I. Trường hợp thuộc diện chịu thuế nhà thầu theo Thông tư 103/2014/TT-BTC
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ. Có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
 
Ví dụ: Công ty Z ở nước ngoài có mua hàng của công ty A ở Việt Nam. Công ty Z yêu cầu công ty A giao lô hàng này cho công ty B của Việt Nam. Như vậy, công ty B mua hàng của công ty Z nhưng nhận hàng từ công ty A tại Việt Nam. Trường hợp này, công ty Z sẽ phải chịu thuế nhà thầu, công ty B có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho công ty Z.
 
2. Thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng với các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms mà người bán chịu những rủi ro liên quan đến hàng khi đã vào lãnh thổ Việt Nam.

Ví dụ: Công ty A ở Việt Nam mua hàng của công ty Z ở nước ngoài. Nếu hàng được chuyển đến cảng của Việt Nam, lúc này công ty Z chấm dứt nghĩa vụ, rủi ro liên quan thì sẽ không phải chịu thuế nhà thầu. Nhưng nếu công ty Z vẫn chịu tất cả trách nhiệm rủi ro như lắp đặt, vận hành, đào tạo, vận chuyển,… trong quá trình hàng vào lãnh thổ Việt Nam thì công ty Z phải chịu thuế nhà thầu.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao tại Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ cho tổ chức Việt Nam.

Ví dụ: Công ty Z tại nước ngoài ủy quyền cho công ty A tại Việt Nam quảng cáo, tìm khách hàng, vận chuyển hàng giao cho khách tại Việt Nam. Thì công ty Z vẫn là chủ sở hữu với lô hàng, chịu trách nhiệm về chất lượng hàng và là đối tượng chịu thuế nhà thầu.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phám, ký kết hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài.

5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.
 

II. Trường hợp không thuộc diện chịu thuế nhà thầu theo Thông tư 103/2014/TT-BTC
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định Luật đầu tư, Luật dầu khí, Luật các tổ chức tính dụng
 
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới hình thức:
+ Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài. Người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến nhận hàng, chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam.
+ Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam. Người mua chịu trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam
 
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài như:
+ Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo
+ Quảng cáo, tiếp thị (trừ internet)
+ Xúc tiến đầu tư và thương mại
+ Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài
+ Đào tạo (trừ online)
+ Chia cước dịch vụ, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài

5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa làm kho hàng hóa để phụ trợ hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng.
 

III. Phương pháp nộp thuế và công thức tính thuế nhà thầu
Phương pháp 1: Phương pháp khấu trừ
- Với phương pháp này, nhà thầu nước ngoài sẽ phải đăng ký và nộp thuế GTGT, nộp tờ khai thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự giống với các công ty Việt Nam.
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên
- Có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc là đối tượng cư trú thuế tại Việt Nam
- Áp dụng chế độ kế toán thuế Việt Nam

Phương pháp 2: Phương pháp ấn định tỷ lệ
Với phương pháp này, nhà thầu nước ngoài không phải đăng ký và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Việt Nam sẽ kê khai thuế và nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu tính thuế.

Phương pháp 3: Phương pháp hỗn hợp
- Phương pháp hỗn hợp cho phép nhà thầu nước ngoài đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có nghĩa là thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, nhưng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo các tỷ lệ ấn định tính trực tiếp trên tổng doanh thu tính thuế.
- Hiện nay, thuế nhà thầu nước ngoài đang áp dụng phổ biến theo phương pháp ấn định tỷ lệ.
- Công thức xác định thuế GTGT: Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế suất theo quy định.
- Công thức xác định thuế TNDN: Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế suất theo quy định.

Đối tác - Khách hàng

0982 844 011